Thứ Sáu, 2 tháng 5, 2014

on Leave a Comment

[Xã hội-Nhân dân] - Điện Biên nhiều giải pháp xây dựng nông thôn mới

* Đẩy mạnh trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số


Nhằm đẩy nhanh việc hoàn thành một số chỉ tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh Điện Biên lựa chọn hướng phát triển sản xuất lương thực, mở rộng diện tích canh tác, nâng cao hiệu suất sử dụng đất; đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển cây công nghiệp như cao-su, cà-phê, chè trên địa bàn; tiếp tục đẩy mạnh chăn nuôi, khuyến khích phát triển mô hình trang trại, tăng quy mô đàn gia súc, gia cầm, thủy sản và sản lượng hàng hóa bán ra thị trường; đổi mới công tác quản lý rừng và đất rừng; hoàn thành việc giao đất cho hộ dân và cộng đồng; tăng cường chỉ đạo thực hiện xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới gắn với trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong kế hoạch hằng năm.

Đến nay, tất cả các xã của tỉnh đã triển khai thực hiện xây dựng quy hoạch nông thôn mới, trong đó, 41 xã đã được phê duyệt quy hoạch; 29 xã thuộc đề án xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới, được ưu tiên đầu tư; tỉnh chỉ đạo lồng ghép các nguồn vốn để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, xem đây là khâu đột phá. Mục tiêu của tỉnh Điện Biên đến năm 2015 là chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, tổng sản lượng lương thực đạt 238 nghìn tấn; mỗi năm đào tạo nghề khoảng tám nghìn lao động; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân gần 4%/năm để đến cuối năm 2015 xuống dưới 30% theo chuẩn nghèo quốc gia mới...

* Tỉnh Lạng Sơn đã xây dựng kế hoạch triển khai chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã nghèo trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Theo đó, ngành tư pháp chỉ đạo tổ chức triển khai, quán triệt nội dung Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã nghèo giai đoạn 2013-2020; Cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý khi họ có nhu cầu.

Ngành tư pháp phối hợp chính quyền các cấp, cơ quan, ban, ngành có liên quan tổ chức các đợt trợ giúp pháp lý lưu động về các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu và các thôn, bản đặc biệt khó khăn. Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tổ chức biên soạn, in ấn, phát hành miễn phí tờ gấp pháp luật, cẩm nang pháp luật, thu và sao băng cát-xét, đĩa CD bằng tiếng Việt, tiếng dân tộc thiểu số cấp phát miễn phí cho toàn bộ số xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu; đồng thời rà soát, đặt bảng thông tin, hộp tin về trợ giúp pháp lý tại trụ sở ủy ban nhân dân, trung tâm bưu điện, nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa tại khu dân cư vùng sâu, vùng xa, xã biên giới.

Tỉnh cũng tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ trợ giúp pháp lý để cập nhật kiến thức pháp luật mới và nâng cao kỹ năng trợ giúp pháp lý cho người thực hiện trợ giúp pháp lý; hỗ trợ học phí cho viên chức của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tham gia khóa đào tạo nghề luật sư, tạo nguồn bổ nhiệm trợ giúp viên pháp lý; hỗ trợ học phí bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho người trực tiếp thực hiện trợ giúp pháp lý cho đồng bào.

PV và TTXVN

0 nhận xét:

Đăng nhận xét